Xây dựng thương hiệu tuyển dụng đã và đang là xu hướng toàn cầu. Trong một cuộc đua thu hút nhân tài, thương hiệu tuyển dụng chính là một sự khác biệt của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trên thị trường lao động để tìm kiếm và thu hút các ứng viên chất lượng hơn. 9 bước để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng:
Bước 1: Đánh giá thực trạng doanh nghiệp
Người xưa có câu “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, vì vậy để tạo dựng một thương hiệu tuyển dụng mạnh mẽ, trước hết người làm nhân sự cần phải đánh giá lại hình ảnh hiện tại của doanh nghiệp, từ môi trường làm việc, năng lực lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp và cơ chế đãi ngộ… Đây là thời điểm phải tận dụng cả nguồn lực trong và ngoài doanh nghiệp để đánh giá thương hiệu tuyển dụng một cách chính xác nhất.
Bước 2: Xác định EVP EVP
(Employee Value Propositions) là khái niệm cơ bản trong thương hiệu tuyển dụng, đó là các đặc trưng, lợi ích của doanh nghiệp nhằm khuyến khích ứng viên ứng tuyển hoặc tạo động lực gắn kết lâu dài cho nhân viên hiện tại. Thông qua việc tham khảo cả nguồn trong và ngoài doanh nghiệp để khoanh vùng những yếu tố EVP của doanh nghiệp, vừa đảm bảo sự khác biệt, vừa hấp dẫn tới ứng viên và nhân viên.
Bước 3: Quảng bá thương hiệu bằng hình ảnh
Ngôn từ có thể quan trọng, nhưng hình ảnh mới là hình thức có hiệu quả truyền đạt cao nhất. 44% người nói rằng họ nhiều khả năng sẽ tương tác với doanh nghiệp nhiều hơn nếu như doanh nghiệp đăng hình ảnh lên phương tiện truyền thông. Nội dung của hình ảnh thương hiệu có thể là các khoảnh khắc của nhân viên tại doanh nghiệp, một vài hoạt động nội bộ, hình ảnh của doanh nghiệp tại một số sự kiện… hình ảnh càng chân thật và gần gũi càng có hiệu quả truyền thông tích cực.
Bước 4: Xây dựng trang tuyển dụng doanh nghiệp
Trang tuyển dụng là hình ảnh chính thức của doanh nghiệp với ứng viên, 80% người lao động tìm kiếm các cơ hội việc làm qua Internet, và phần lớn đều sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội cho công việc cũng như các mục đích cá nhân. Đừng biến trang tuyển dụng của bạn thành một danh sách dài yêu cầu kinh nghiệm và kỹ năng, hãy làm cho nó trở thành những thông tin tuyển dụng thu hút và sống động hơn. Tuy vậy, bạn vẫn phải đảm bảo một trang tuyển dụng chuyên nghiệp dựa vào các tiêu chí sau: Giao diện thân thiện. Sử dụng đơn giản. Tối giản quá trình đăng ký trực tiếp. Thể hiện được hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp. Cập nhật liên tục và tương tác thường xuyên.
Bước 5: Tạo sự công nhận từ cộng đồng
Mọi thông điệp bạn đưa ra đều kém thuyết phục nếu như không có sự công nhận của bên thứ ba. Do đó những sự kiện cộng đồng, các giải thưởng, ra mắt báo chí, gặp gỡ cùng các đại diện từ chính phủ, ban bộ ngành… sẽ giúp ích rất lớn cho thương hiệu tuyển dụng nói riêng và thương hiệu doanh nghiệp nói chung.
Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc tốt
Có lẽ không phải nói quá nhiều về độ quan trọng của một bản mô tả công việc. Một bản mô tả công việc rõ ràng, mạch lạc không chỉ là tối thiểu cho việc phân công trách nhiệm cho các nhân viên doanh nghiệp, mà còn giúp sàng lọc các ứng viên và tạo sự chuyên nghiệp cho doanh nghiệp. Thay vì cố gắng để sáng tạo những thứ khó nắm bắt, một bản mô tả công việc chính xác sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Sau đây là 5 gợi ý để xây dựng bản mô tả công việc chuẩn: Chức danh công việc rõ ràng và tối ưu từ khóa cho tìm kiếm. Đưa ra bức tranh cụ thể về vai trò của vị trí đối với doanh nghiệp. Các đầu công việc rõ ràng cụ thể. Chi tiết về phúc lợi và môi trường làm việc. Nên giữ yêu cầu công việc ở mức tối thiểu.
Bước 7: Tối ưu hóa trải nghiệm ứng viên
Mỗi ứng viên là một khách hàng và tuyển dụng là quá trình thuyết phục ứng viên sử dụng dịch vụ. Trải nghiệm ứng viên trong quá trình tuyển dụng cũng giống như trải nghiệm của bất kỳ khách hàng nào khi mua sản phẩm: không ai mong đợi một quy trình phức tạp hay thái độ phục vụ kém cỏi.
Bước 8: Kêu gọi sự chia sẻ từ chính nhân viên
Thông thường, những nhân viên tích cực sẽ sẵn sàng giới thiệu những ứng viên phù hợp mà họ biết cho doanh nghiệp, trong khi những nhân viên bất mãn thì sẽ không làm điều đó. Một chương trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng sẽ thành công là khi nó có thể thúc đẩy hoạt động giới thiệu ứng viên nội bộ; việc này không những giúp doanh nghiệp thu được nguồn ứng viên lớn, mà cũng đồng thời đưa hình ảnh doanh nghiệp đi rộng rãi hơn. Do đó doanh nghiệp nên có những chính sách giới thiệu nhân sự mới, hoặc hình thức nào đó để khuyến khích nhân sự chia sẻ cảm nhận về doanh nghiệp của mình.
Bước 9: Đánh giá và đo lường
Nếu bạn không đo lường được thương hiệu tuyển dụng, bạn sẽ không quản lý được. Còn đo lường gì thì bạn có thể dựa vào một số tiêu chí tiêu biểu như: Mức độ gắn kết của nhân viên với công việc. Tỉ lệ nhân viên tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp sau thời gian thử việc. Chất lượng nhân viên tuyển mới. Chi phí cho mỗi nhân viên mới. Số lượng ứng viên. Thời gian tuyển dụng. Ngoài ra để xây dựng thương hiệu tuyển dụng một cách bài bản chuyên nghiệp ngay từ đầu, bạn nên có những kế hoạch cần thiết để làm được điều này, chẳng hạn mời các chuyên gia trong ngành về tuyển dụng đào tạo riêng cho doanh nghiệp, hoặc những nhà quản lý nhân sự, HR,… nên tham gia các buổi đào tạo về tuyển dụng, vừa “làm mới” tư duy tuyển dụng đúng vừa nắm được quy trình tuyển dụng chất lượng ngay từ đầu. Một số diễn giả gợi ý: Mr. Tony Dzung, Trần Trung Hiếu, Mai Xuân Đạt… Các chương trình đào tạo được đánh giá cao trên thị trường: Tuyển dụng hiệu quả thời 4.0, Sức mạnh OKRs…
Nguồn : Công Việt Blog